VỊ TRÍ VIỆC LÀM CỦA CỬ NHÂN HÓA HỌC TRONG CÁC CÔNG TY DƯỢC
Trần Đình Khải1, Nguyễn Huy Hoài2, Võ Viễn3
1Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định
2Công ty PYMEPHARCO, Phú Yên
3Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quy Nhơn
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, so với các ngành khác, Dược là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất, thậm chí một số công ty dược còn tăng doanh số từ các mặt hàng thuộc dòng thuốc tăng cường sức đề kháng và khử khuẩn. Theo nhận định của một chuyên gia, các công ty dược sẽ có nhiều cơ hội hơn khi mà ngày càng nhiều người quan tâm và đầu tư cho sức khỏe. Tuy nhiên các công ty dược trong nước đang đứng trước thách thức nâng cao chất lượng và phát triển bền vững để cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Để bắt nhịp được cơ hội và giải quyết thách thức đó, nhu cầu nhân lực chất lượng cao đang được đặt ra. Điều này xuất phát từ thực tế quy trình sản xuất thuốc là một trong những quy trình công nghệ nghiêm ngặt, được quản lý chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu, quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, công việc nghiên cứu và phát triển một loại thuốc mới cũng tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình, quy định khoa học và đạo đức y sinh. Trong một nhà máy sản xuất thuốc, thông thường có 3 bộ phận cốt lõi là (1) nghiên cứu và phát triển sản phẩm; (2) sản xuất và (3) kiểm soát chất lượng. Trong ba bộ phận này, cử nhân hóa học đóng một vai trò quan trọng. Họ có thể thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Kiểm tra chất lượng của nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm theo tiêu chuẩn đăng ký trước khi nhập kho.
- Quản lý thiết bị phân tích trong phòng thí nghiệm; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc hiệu chuẩn định kỳ các thiết bị đo lường, thử nghiệm và thiết bị phân tích trong toàn công ty.
- Thiết lập chuẩn đối chiếu phục vụ công tác phân tích.
- Xây dựng, phát triển phương pháp, thẩm định tiêu chuẩn chất lượng cho bán thành phẩm, thành phẩm.
- Phân tích đánh giá độ ổn định sản phẩm và tương đương sinh học.
- Nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới.
Thạc sĩ Trần Đình Khải
Tốt nghiệp Đại học năm 1998 và Thạc sĩ năm 2014 tại Khoa Hóa, Trường Đại học Quy Nhơn.
Hiện là Trưởng phòng Kiểm nghiệm (Quality control manager) của Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar).
Mặc dù ngành Dược ít bị ảnh hưởng tiêu cực trước Đại dịch Covid-19, nhưng qua đó cũng xuất hiện những khó khăn phải đối mặt, bao gồm: (1) Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, (2) Công nghệ sản xuất cần được nâng cấp, trong đó, khó khăn đầu tiên là quan trọng nhất. Điều này dựa trên thực tế nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu hiện chiếm tỷ trọng khoảng 80-90% nhu cầu ở Việt Nam [1]. Trong lúc đó, các công xưởng lớn nhất thế giới cung cấp nguyên liệu dược bị gián đoạn sản xuất do Covid-19, đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu. Vì thế, các doanh nghiệp phải tìm ra được các giải pháp trong xu hướng bình thường mới.
Vietnam Report đã khảo sát và chỉ ra 6 giải pháp ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp dược trong thời kỳ bình thường mới [1].
Top 6 giải pháp của doanh nghiệp dược trong thời kỳ bình thường mới [1].
Trong 6 giải pháp trên, hai giải pháp kỹ thuật mang tính cốt lõi là:
- Đầu tư sản xuất nguyên, dược liệu, máy móc và dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế;
- Nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
Trong hai giải pháp kỹ thuật cốt lõi trên,phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên là một hướng đi phù hợp với các nhà máy sản xuất thuốc ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Giải pháp này ngoài phù hợp Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam, còn vì các lý do sau:
- Việt Nam có thế mạnh về nguồn dược liệu. Theo thống kê của Viện Dược liệu, đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc [2].
- Nghiên cứu điều trị được rút ngắn do nước ta đã có nhiều kinh nghiệm trị bệnh từ hàng ngàn năm nay bằng thuốc Đông y.
- An toàn và hiệu quả. Do được sản xuất từ sản phẩm tự nhiên nên rất an toàn. Mặt khác, chi phí sản xuất thấp, thân thiện môi trường, mang lại nhiều việc làm cho nông dân, không như nghiên cứu thuốc mới từ hóa dược tổng hợp.
Không những ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng có xu hướng sử dụng thuốc dược liệu. Theo WHO, đến 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thuốc dược liệu để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn đều có chứa hoạt chất thảo mộc. Và ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế rất được các nhà khoa học quan tâm [3].
Để nghiên cứu và phát triển sản phẩm dược từ các hợp chất tự nhiên, các cán bộ kỹ thuật cần phải có kiến thức và kỹ năng được đào tạo trong trường đại học, trong đó bao gồm các kiến thức, kỹ năng chiết tách, phân lập, phân tích cấu trúc các hợp chất có trong mẫu vật tự nhiên. Sau đó là bước đánh giá hoạt tính sinh học. Cuối cùng là phát triển thành sản phẩm thuốc.
Tóm lại, các phân tích trên chỉ ra rằng cử nhân hóa học ngoài đóng góp một phần quan trọng trong các nhà máy sản xuất thuốc như trước đây, hiện đang có một cơ hội mới về việc làm nghiên cứu phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt đối với các nhà máy sản xuất thuốc ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nơi có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú.
Tài liệu tham khảo
1. https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/vef/top-10-cong-ty-duoc-uy-tin-nam-2020-692630.html
2. https://bnews.vn/co-hoi-phat-trien-nganh-cong-nghiep-duoc-lieu-viet-nam/96381.html
3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6196414/